Đào tạo và Huấn luyện Thiếu sinh quân Việt Nam Cộng hòa

Văn hóa

Chương trình giáo dục Phổ thông, bắt đầu là hệ Trung học đệ nhất cấp: các lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, rồi đến Trung học đệ nhị cấp: các lớp đệ tam, đệ nhị, đệ nhất.[4] Học viên được thu nhận vào trường là những học sinh đã có bằng Tiểu học. Cuối niên học lớp đệ tứ sẽ thi lấy bằng Trung học. Tiếp đến học lên đệ nhị cấp; cuối niên học lớp đệ nhị thi lấy bằng Tú tài phần I, xong lớp đệ nhất thi lấy bằng Tú tài II.[5] Tuy nhiên, trường cũng linh động thu nhận các em ở tuổi 12 đang học lớp nhất của hệ Tiểu học, các em này học xong lớp nhất sẽ tiếp tục học lên Trung học đệ nhất cấp như những học viên khác.

Vào niên học 1971-1972, trường Thiếu sinh quân có từ lớp 5 đến lớp 12 gồm hai mươi bảy lớp chia ra: một lớp 5, ba lớp 6, bốn lớp 7, bảy lớp 8, năm lớp 9, bốn lớp 10, hai lớp 11 và một lớp 12.

Trường dạy văn hóa dựa theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục. Thành phần giáo viên gồm đa số giáo chức đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm phải thi hành nghĩa vụ công dân. Các giáo chức này sau khi tốt nghiệp tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức được bổ sung làm giáo viên cho trường Thiếu sinh quân. Vào các kỳ thi Tú tài I và II, các học viên thi đậu với tỷ lệ rất cao.

Các học viên học văn hóa phổ thông đến năm 18 tuổi nếu không thi đậu bằng Tú tài I thì phải ra trường theo học các khóa hạ sĩ quan. Các học viên thi đậu Tú tài I sẽ được học đến năm 20 tuổi để thi lấy bằng Tú tài II, rồi theo học sĩ quan ở các trường Võ bị: Hải, Lục, Không quân hoặc các trường Đại học Y khoa, Luật khoa, Khoa học...

Quân sự

Chương trình rèn luyện Quân sự áp dụng cho các học viên là chương trình căn bản của người tân binh được chia làm 4 giai đoạn:
-Giai đoạn chuẩn bị: Đối với tuổi từ 12 đến 14
-Giai đoạn 1: Đối với tuổi 15
-Giai đoạn 2: Đối với tuổi 16
-Giai đoạn 3: Đối với tuổi từ 17 trở lên[6]

Trong phần quân sự, các học viên học tổng quát về quân phong, quân kỷ, cơ bản thao diễn, chiến thuật, vũ khí, tổng quát... tuỳ theo mỗi giai đoạn. Mục đích chuẩn bị cho các học viên có một căn bản vững vàng khi vào các trường sĩ quan hoặc hạ sĩ quan.

Võ thuật

Song song với chương trình học văn hóa và quân sự, hàng tuần các học viên được huấn luyện Taekwondo xen kẽ với giờ huấn luyện thể chất. Các Võ sư Đại Hàn đảm trách hướng dẫn từ năm 1965 đến năm 1971.[7] Tính đến thời điểm năm 1967, đã có 20 học viên đậu huyền đai đệ nhất đẳng. Các học viên này giúp các Võ sư Đại Hàn trong chương trình huấn luyện thường nhật.